image banner
"Uống nước nhớ nguồn", huyện Hải Hậu thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công
Lượt xem: 430

   Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các liệt sĩ, thương binh đối với đất nước. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sự hy sinh, mất mát của đồng bào, chiến sĩ cả nước rất lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là người có công (NCC) với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”. Đồng thời, Người căn dặn: “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”

Đời đời nhớ ơn!

Những ngày tháng 7, cách đây 75 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Để động viên lực lượng tham gia kháng chiến tích cực lập công giành thắng lợi cũng như thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn dân đối với những người tham gia kháng chiến bị hy sinh, bị thương, bị bệnh; ngày 27/7/1947, trong bức thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Bác Hồ kính yêu đã viết:

"Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay thành ra thương binh".

Tiếp đó, với tình cảm sâu sắc của Bác giành cho những người đã hy sinh, cống hiến máu xương cho Tổ quốc lại được Người kêu gọi nhân ngày 27/7/1948:

"Khi nạn ngoại xâm ào đến, nó như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta.

Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của đất nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào.

Họ quyết hy sinh tính mệnh họ để giữ tính mệnh đồng bào.

Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào.

Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống.

Họ là những chiến sỹ anh dũng của chúng ta.

Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ …"

Lời dạy của Bác vừa là lời của vị cha già dân tộc giản dị mà xiết bao ân tình, vừa là lời của non sông chung đúc nên đạo lý, lẽ sống làm người của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm lịch sử.

Và, kể từ buổi chiều ngày 27/7/1947 ấy, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh (Bắc Thái) nay là tỉnh Thái Nguyên là thời khắc thiêng liêng khi trên 300 người đại diện cho Đảng, chính quyền, đoàn thể, quân đội và nhân dân tổ chức mít tinh trọng thể công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó Ngày Thương binh toàn quốc (27/7) ra đời. Cho đến năm 1955 được Nhà nước ta đổi thành ngày "Thương binh - Liệt sỹ" như ngày nay.

Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó: Liệt sỹ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 139.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; Bệnh binh: gần 185.000 người; Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 320.000 người; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan đã tập trung rà soát, giải quyết các hồ sơ tồn đọng đã được chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, bài bản, trong đó tập trung vào các nội dung: Giải quyết hồ sơ tồn động, giải quyết chế độ cho các trường hợp liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hoàn thiện hồ sơ xét tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa hóa và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong các năm từ 2016 - 2021 đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 4.200 liệt sỹ, cấp đổi lại hơn 90.000 bằng Tổ quốc ghi công. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích rõ cho đối tượng, tránh để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại.

 

anh tin bai

Đền ơn, đáp nghĩa

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc huyện Hải Hậu có hơn 50 nghìn con em quê hương hăng hái lên đường cầm súng chiến đấu trên khắp các chiến trường; hơn 4.700 đồng chí đã anh dũng hy sinh, hơn 2.700 đồng chí thương binh - bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu, nạn nhân da cam 1.333 người, 399 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 19 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; hàng nghìn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tổng số đối tượng người có công, thân nhân ngư­ời có công với cách mạng hiện nay đang hưởng trợ cấp hàng tháng gần 6.000 người; trên 25.000 người hưởng chế độ Bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí khi từ trần ; trên 17.000 người tham gia hoạt động kháng chiến đã được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương được giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần.

 

anh tin bai

Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

Triển khai thực hiện giải quyết từ 1.600 đến trên 3.000 đối tượng người có công, thân nhân người có công được điều dưỡng hằng năm, 162 đối tượng hưởng chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, lập danh sách đề nghị Sở Lao động - TB&XH tỉnh xét duyệt, chi trả tiền 12 ngày lễ tết cho 63 thương, bệnh binh có tỷ lệ thương tật (tổn hại cơ thể), mất sức lao động 81% trở lên. Trong các năm từ 2016 - 2021 đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công do rách nát, mất, hỏng thất lạc đối với hơn 2000 gia đình liệt sỹ, những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích rõ cho đối tượng, hạn chế để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại.

 Trong những năm qua nguồn kinh phí quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, huyện, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 3, Tập đoàn dầu khí phối hợp với các địa phương đã xây mới trên 30 nhà tình nghĩa tặng đối tư­ợng người có công, thân nhân ng­ười có công với tổng  trị giá trên 3 tỷ đồng. Năm 2022, nhân dịp 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã thị trấn rà soát thẩm định và đề nghị UBND tỉnh Nam Định hỗ trợ cho 12 người có công, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở với 3 nhà xây mới mỗi nhà được hồ trợ 80 triệu đồng, 9 nhà sửa chữa mỗi nhà được hỗ trợ 40 triệu đồng tổng kinh phí 600 triệu đồng. Việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định sổ 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 đã được hoàn thành việc rải ngân hỗ trợ  xây mới 211 nhà, sửa chữa 486 nhà, tổng cộng là 697 nhà với tổng kinh phí 18,16 tỷ đồng.

anh tin bai

 Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng 7/2022 toàn huyện có 08/08 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng hàng tháng. Dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày 27/7 hằng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh, huyện và ở tất cả các địa phương đều tổ chúc gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.

Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sỹ; thời gian qua, Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn huyện Hải Hậu rà soát, hoàn thiện trên 4.000, liệt sĩ báo cáo Bộ CHQS tỉnh. Trích lục, xác nhận thông tin cho 465 trường hợp; hướng dẫn trên 150 lượt thân nhân gia đình liệt sĩ làm thủ tục đi tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt theo đúng thủ tục; tạo điều kiện thuận lợi, tư vấn, hỗ trợ gia đình liệt sĩ đi tìm kiếm, di chuyển hài cốt liệt sĩ hi sinh trên địa bàn huyện theo đúng quy định của Nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, đã tiếp nhận 115 hài cốt liệt sĩ; tổ chức đón nhận và an táng đúng quy định, đảm bảo trang trọng và đúng nghi lễ để các anh trở về với quê hương.

 

anh tin bai

Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ th­ường xuyên đ­ược cấp uỷ, chính quyền các địa phư­ơng cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hàng năm. Huyện Hải Hậu có 33 Nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn và 01 Đền thờ Liệt sĩ cấp huyện; trong những năm qua hàng năm thường xuyên có từ 03 đến 05 nghĩa trang liệt sĩ tại các xã, thị trấn được ngân sách Trung ương hỗ trợcùng ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp phục vụ nâng cấp cải tạo và xây mới với kinh phí  mỗi nghĩa trang liệt sĩ từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Việc hỗ trợ kinh phí để thân nhân các liệt sỹ đi thăm viếng mộ, di chuyển hài cốt liệt sỹ được chú trọng thực hiện kịp thời, chu đáo...

Thông qua những việc làm thiết thực trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đối với những người có công với cách mạng đã giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh phấn đấu, cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng đất nước, xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Những tấm gương bình dị mà cao quý

Trong số những người con quê hương Hải Hậu tham gia chiến đấu, không thể không kể đến Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT nhân dân, người con quê hương Hải Long. Năm 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu lên đường nhập ngũ.

 

anh tin bai

Ông đã từng tham gia nhiều trận đánh, có thể coi là ác liệt nhất tại chiến trường Quảng Trị, nơi hứng chịu bom đạn nhiều nhất, nhân dân và chiến sĩ hy sinh nhiều xương máu, đồng thời cũng làm nên nhiều chiến công oanh liệt nhất và những trận đánh đi vào lịch sử. Ông đã trải qua 67 trận đánh, 4 Chiến dịch lớn (Mậu Thân năm 1968, Đường 9 Nam Lào năm 1971, Mùa hè đỏ lửa năm 1972, Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975) đã làm nên một chân dung người lính, người Anh hùng, Vị Tướng trẻ nhất toàn quân với tài năng thao lược cầm quân thời binh lửa đã lập nên những chiến công oanh liệt, lẫy lừng. Khi đất nước hòa bình, ông được về Hà Nội học tại Học viện quân sự cao cấp khoá đầu tiên, sau đó ông được Đảng, Nhà nước cử sang Nga đào tạo tại Học viện quân sự cao cấp. Hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, ông được cử về Quân đoàn 1 và tiếp tục được bổ nhiệm các chức vụ cao hơn. Năm 1998 ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và được phong Hàm Thượng Tướng năm 2003. Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, ông đã tới thăm và làm việc với 67 Quốc gia trên Thế giới, ông được bạn bè Quốc tế đánh giá cao. Ông vận dụng nhuần nhuyễn những nguyên lý, quan điểm của Đảng, Nhà nước và tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại Quốc phòng, đặc biệt trong việc giải quyết các tranh chấp và bảo vệ chủ quyền của nước ta ở Biển Đông hiện nay. Với những cống hiến khoa học quân sự, cùng những đóng góp xây dựng, củng cố và phát triển tình đoàn kết giữa 2 Quốc gia Nga - Việt, năm 2010 ông đã được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga trao Bằng Viện sĩ, ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận Bằng Viện Sỹ về nghệ thuật chiến tranh.

Trên quê hương Hải Hậu, trong số các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ huyện Hải Hậu dù vết thương chiến tranh luôn hành hạ làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống, công tác song luôn nêu cao ý thức khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Xuân Phùng - xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu; giữa những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, tháng 12 năm 1970 anh lên đường nhập ngũ và chiến đấu được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới và bị thương tại mặt trận Bình Dương tháng 10 năm 1972, với tỷ lệ thương tật 31% (xếp hạng thương binh 4/4). Sau ngày thống nhất đất nước, do thương tật, đồng chí đã rời quân ngũ trở về quê hương tiếp tục thi vào trường đại học, sau đó tham gia công tác tại Chi cục Thuế Hải Hậu, quá trình công tác đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, Thời điểm đồng chí công tác đảm nhiệm chức vụ Chi cục trưởng. Chi cục Thuế Hải Hậu được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2013 đồng chí được nghỉ hưu, tại địa phương đồng chí luôn gương mẫu tích cực vận động người thân trong gia đình và khu dân cư chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, thực hiện đoàn kết trong khu dân cư, xây dựng cuộc sống ấm lo hạnh phúc, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Trong sản xuất, kinh doanh làm giàu cho bản thân, cho quê hương, đồng chí Nguyền Đức Mạnh, thương binh 4/4, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Mạnh Châu tại thị trấn Cồn, nhập ngũ 26/4/1970, tham gia chiến trường B2, ba lần bị thương tại Lộc Ninh, Long Khốt, (giáp biên giới Căm pu chia), cầu Voi Long An. Sau khi rời quân ngũ về địa phương tham gia lao động sản xuất tại địa phương, thành lập công ty, tạo việc làm cho người lao động mỗi năm nộp thế cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh các đồng chí là thương binh, bệnh binh, các đồng chí là con  của liệt sỹ, sinh ra và lớn lên trong điều kiện hoàn cảnh đất nước chiến tranh, đời sống kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, các đồng chí đã khắc phục khó khăn, gương mẫu vươn lên trong học tập, công tác, tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo, là người đứng đầu luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh Quốc phòng, trật tự xã hội tại địa phương; tiêu biểu như Đồng chí Trần Minh Hải, con liệt sĩ Trần Xuân Lùng ở xã Hải Trung. Đồng chí Trần Minh Hải đang giữ chức vụ Ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; đồng chí Nguyễn Văn Chiến, hiện đang giữ chức vụ Phó bí thư Thường trực xã Hải Trung, con của liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Chung... Không thể kể hết được các đồng chí là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ tiêu biểu khác đã khắc phục khó khăn, vượt lên trên nỗi đau thương, bệnh tật, vượt lên trên sự đau thương mất mát người thân để tiếp tục tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nỗ lực trong công tác, chăm sóc gia đình nuôi dạy con cháu trưởng thành làm người có ích cho xã hội, làm tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hải thêm tự hào và tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tri ân sự hy sinh của các thế hệ cha ông, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước sẽ luôn khắc ghi đạo lý ngàn đời của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", làm tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu xây dựng huyện Hải Hậu nông thôn mới kiểu mẫu ngày càng "văn minh-giàu đẹp-nghĩa tình"./.

Nguồn tin:  Cổng  TTĐT huyện Hải Hậu








 anh tin bai

image advertisement

anh tin bai
image advertisement



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Hải Xuân
Địa chỉ : UBND xã Hải Xuân - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
Điện thoại:    * Email: xahaixuan.hhu@namdinh.gov.vn
 Người chịu trách nhiệm: Ông Bùi Văn Các - Chủ tịch UBND xã

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang